Góc nhìn về tự học hiệu quả

 

 

Trong bài viết này mình sẽ chia sẻ kinh nghiệm cá nhân về tự học thông qua trải nghiệm tự học của mình, cùng với một số góc nhìn mới của bản thân trong vũ trụ tự học. Tự học hiệu quả làm cho cuộc sống chúng ta trở nên thú vị và có ý nghĩa hơn.

 

Nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ Dale Carnegie: “Duy trì sự bận rộn là liều thuốc rẻ nhất trên đời”. Việc tự học thôi thúc cho cuộc sống của bản thân mình luôn ở trong guồng quay của sự vận động, mọi thứ trở nên bận rộn một cách đầy ý nghĩa. Chắc hẳn mỗi người đang đọc bài viết này đã từng biết về khái niệm tự học qua trải nghiệm bản thân, hay từ những bài viết phổ biến trên Internet như “Tôi đã tự học tiếng anh như thế nào?”, “Tôi đã tự học và trở thành lập trình viên như thế nào?”… Đối với mình, tự học không chỉ đơn thuần là một phương pháp, mà nó còn là một trạng thái tinh thần. Có được góc nhìn về tự học hiệu quả làm cho cuộc sống chúng ta trở nên thú vị và có ý nghĩa hơn.

Các bạn hẳn đã quá quen thuộc với câu chuyện của những tấm gương tự học vĩ đại và thành công như Bác Hồ, bộ óc đại tài Steve Jobs, hay tổng thống thứ 16 của Hoa Kì – Abraham Lincoln… Trong bài viết này mình sẽ chia sẻ trải nghiệm tự học thông qua trải nghiệm tự học của mình, cùng với một số góc nhìn mới của bản thân trong vũ trụ tự học.  Bài viết gồm 2 phần:

Câu chuyện bản thân

Góc nhìn tự học

  1. Câu chuyện cá nhân

Sự tự học gắn với những con người vĩ đại khiến đôi khi định nghĩa của nó trở nên được “thần thánh hóa”, trong khi hầu hết chúng ta đều không nhận ra rằng mình cũng đang tự học. Sự khác nhau rõ ràng giữa học chính thống và tự học theo mình là xác định mục tiêu tiếp cận và phương pháp để thẩm thấu kiến thức.

Bản thân mình là một Graphic Designer tự học chính thức có 6 năm tuổi nghề, công việc cùng lượng khách hàng chỉ thực sự ổn định trong 4 năm trở lại đây. Và để tự học được design – một ngành nghề trái ngược hoàn toàn với chuyên ngành mình học ở đại học (ĐH Ngân hàng), thì trước đó là cả một câu chuyện mà mãi sau này mình mới có thời gian để “ngộ” ra về cả quá trình đó.

Và đây là câu chuyện của mình…

Mình cực dốt tiếng anh! Từ những năm cấp 3 đã rất kém, không biết ngữ pháp, không có từ vựng và thậm chí không nghe được từ tiếng anh nào. Nhưng lại cực thích xem phim hoạt hình của Pixar, nghe nhạc của Backstreetboys, Westlife…và hát nhại theo lyrics bài hát dù chả biết nó nói về cái gì. Mình ngưỡng mộ những bạn trong trường đại học ở những CLB Tiếng anh, họ hùng biện, hát được tiếng anh. Và mình bắt đầu tự học tiếng anh từ đó (do tiếc tiền nên không muốn đi học trung tâm nào cả). Lục tung Internet – đây có lẽ là kĩ năng mạnh nhất của mình thời điểm bấy giờ – để tìm kiếm tất cả tài liệu tự học, đọc tất cả những bí kíp nổi tiếng nhất, những khóa học hay nhất về tư học tiếng anh. Tất nhiên! Tầm 1 tháng sau đó, mình đã bỏ cuộc. Nghe tiếng anh vẫn như vịt nghe sấm, không viết nỗi một câu đơn.

Mọi chuyện chỉ thay đổi khi mình tìm được đúng phương pháp học phù hợp với bản thân, học từ Vlog của Toàn Shinoda (Think in English – phương pháp này mọi người có thể tìm thấy trên kênh Rachel English trên Youtube). Đây là phương pháp ko phải ngồi vào bàn học, ghi ghi chép chép truyền thống như mình đã áp dụng thất bại trước đây.
Một phương pháp tự học mới phù hợp với bản thân hơn, mọi chuyện trở nên dễ dàng hơn với mình, bắt đầu nghe hiểu được các bài nhạc, hát được những ca khúc thần tượng trước đây. Cho đến bây giờ, mình đã có thể tự tin giao tiếp cơ bản với người bản xứ. Tham gia đi tour xe đạp hỗ trợ du khách trong các chuyến đi ở Việt Nam, kể cho du khách nghe về chuyến đạp xe xuyên Việt của mình tuyệt vời như thế nào. Mình đã không còn run bần bật và dập mắt khi đầu kia điện thoại khách gọi tới nói tiếng anh nữa =))) Ác mộng đã qua đi.

Tự học đã tiếp cận mình qua một động lực rất tự nhiên, và bản thân mình đã tiếp nhận nó bằng một mục tiêu rõ ràng cộng với phương pháp hợp lý. Mọi thứ cứ diễn ra trong ý thức một cách đơn giản như thế và mình tiếp tục với quá trình tự học như một lẽ đương nhiên.

Ngày tháng sau đó, mình đã quyết định tự tặng cho bản thân 1 cây đàn ghita để có thể nghêu ngao bất cứ lúc nào mình thích. Cũng như tự học tiếng anh, mục tiêu nhỏ bé của mình là phục vụ nhu cầu âm nhạc bản thân, không cao siêu, không cầu kì. Và bây giờ mình có thể tự đệm hát bất kì bài nhạc nào mình muốn hát. Thật sảng khoái!

Với kĩ năng nghe đọc hiểu tiếng anh ổn hơn, mình mạnh dạn hơn trong việc truy cập tìm hiểu kho kiến thức khổng lồ của nhân loại trên Internet. Toàn bộ kiến thức về Graphic Design mình tự học ở những online courses được chia sẻ từ các diễn đàn, các platform quốc tế như Udemy, Lynda, Domestika. Vừa học design, mình vừa luyện nghe thêm tiếng Anh qua các khóa học trên.

Trong quá trình suốt nhiều năm tự học, mình trang bị cho bản thân một gói kĩ năng kha khá để có thể thích nghi với những điều kiện cuộc sống thay đổi khác nhau: mình có hiểu biết và học về code, tuy không sử dụng về sau này nữa, nhưng những kiến thức cơ bản đó bổ trợ cho công việc quản trị website trên các nền tảng và công việc thiết kế đồ họa hiện tại.

Mình đã dành 2 tháng ròng rã để học một phần mềm mới và dựng một bộ phim hoạt hình từ đó. Dự án sau đó được gửi đi dự thi Plural Insight ở Hoa Kì, mình dừng lại ở top66 cùng một giấy chứng nhận cho những nỗ lực của bản thân. Video sản phẩm https://www.youtube.com/watch?v=KdMTlUIdxvM&ab_channel=LongTr%E1%BA%A7n

Giấy chứng nhận tham gia cuộc thi

 

Mình đã có một thời gian dài đi vẽ tường, dịch thuật, marketing, và hiện tại mình cũng đang tập viết lách để chia sẻ thêm nhiều thứ với cộng đồng.

Có thể nói, tự học khiến tinh thần và cuộc sống mình tự do hơn, thậm chí đôi khi mình tự thấy như đang “nghiện” nó vậy.

Quá trình tự học cho đến bây giờ giúp mình nghiệm ra nhiều điều quan trọng

  • Kỷ luật là sức mạnh. Làm việc như một freelancer toàn thời gian, mình hiểu rằng việc tự học và làm việc cần hết sức kỷ luật. Kĩ năng sắp xếp thời gian, chia lộ trình học và hoàn thành mỗi ngày. Tự học có thể coi là một quá trình đấu tranh với chính bản thân mình.
  • Hãy cứ đam mê, hãy cứ dại khờ (Steve Jobs): ngay cả thứ mình thích cũng không dũng cảm theo đuổi thì có lẽ đến tận cuối cùng, mình sẽ chẳng có gì cả. Vậy nên, khi tự học một điều gì đó mới mình chỉ đơn giản như là một kẻ ngốc kẻ điên vậy. Kẻ ngốc thì luôn tin tưởng, và kẻ điên sẽ luôn hành động. Đúng rồi, tin tưởng và hành động.
  • “Cố lên nào, một chút nữa thôi” – như việc bước lên từng bước nhỏ của bậc thang vậy, cố gắng từng bước một. Mỗi nấc thang đạt được là một thành tựu nhỏ tạo động lực cho bạn đi tiếp, đi mãi. Câu nói trên cũng là câu mình tự nhắc bản thân mỗi lần chán quá, muốn bỏ khi nhận thấy cố gắng của bản thân vẫn chưa đạt kết quả. Believe me! It works!
  • Học từ cả những điều phù hợp và không phù hợp. Khi bắt đầu tự học, bản thân sẽ được thôi thúc tìm kiếm hướng đi thỏa mãn sự tò mò về kiến thức mới đó thông trong những giáo trình, sách vở, video, chuyên gia… Vô tình, mình được trải nghiệm rất nhiều cách nhìn của một vấn đề cho đến khi tìm được đúng thứ dành cho mình. Có thể nói, tự học như vẽ ra cho mình một bản đồ tổng quát nhất, một quá trình trải nghiệm để giúp bản thân xác định chính xác mình cần gì, và đang ở đâu trong hành trình chinh phục điều mới mẻ kia.
  • Không có kẻ lười biếng, chỉ có người không có động lực. Muốn thì tìm cách, không muốn sẽ có lý do. Mình tự nhận bản thân là kẻ lười biếng, nhưng động lực lại là thứ động cơ bền vững duy trì cỗ máy tự học của mình hoạt động liên tục. Sự lười biếng + kết hợp với động lực ép mình phải tìm ra phương pháp phù hợp nhất để thỏa mãn cả hai yếu tố trên. Ví dụ việc học tiếng anh, mình không phải tuýp người có thể ngồi hàng giờ ghi chép, làm ngữ pháp. Việc tự học với mình bắt buộc học là phải sinh động, và thư giãn nhất có thể. Một động lực kích thích mạnh mẽ cùng với một phương pháp phù hợp và tự học sẽ trở nên thú vị hơn.
  • Động lực là điều dễ tìm kiếm, nhưng khó giữ. Xung quanh mình luôn có những người tích cực, những người giỏi hơn rất nhiều. Họ truyền cảm hứng, họ phần nào giữ cho ngọn lửa đam mê trong bản thân mình ko tắt đi.
  • Tự tin chia sẻ kiến thức. Bạn không cần quá xuất sắc để có thể trở thành “thầy”. Kiến thức chia sẻ giúp mình ghi nhớ và nắm bản chất của nó một cách rõ ràng hơn. Đó là lý do mình mở các buổi chia sẻ miễn phí về graphic design, đó cũng là những lần đầu mình đủ can đảm đứng nói trước nhiều người về một phương diện kiến thức nào đó. Tự học đã giúp mình tự tin lên rất nhiều.

 

  1. Góc nhìn tự học

Có thể bạn đọc đã quen nhiều với các tips, các phương pháp giúp học hiệu quả ở nhiều bài viết trên Internet, sau đây mình sẽ đóng góp thêm một vài quan điểm cá nhân thông quá kinh nghiệm bản thân.

Vòng tròn tự học và quy tắc bước đệm (tác giả tự đặt ra những khái niệm dựa trên trải nghiệm cá nhân và niềm vui với con chữ, trong giới hạn khả năng của tác giả, mong đọc giả đừng cười chê).

Sau nhiều năm tự học nhìn lại, tất cả kiến thức kĩ năng mình có được dường như tạo thành những mắt xích, có sự kết nối chặt chẽ với nhau. Thành tựu của lĩnh vực này là động lực và bước đệm cho lĩnh vực khác khi mình bắt đầu tự học. Nó giúp quá trình tự học trở nên nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Kĩ năng tiếng anh làm nền tảng cho việc học design, truy cập vào kho kiến thức tiên tiến toàn cầu, tiếp tục học đàn, học vẽ, học quản trị website từ đó tạo ra blogs và viết lách cho những trải nghiệm của chính mình. Tất cả những kĩ năng đều trở thành bước đệm của nhau, tạo thành một hệ thống bổ khuyết cho nhau thông qua sự sắp xếp theo nhận thức của chủ thể.

 

Vậy làm sao để tạo ra được vòng tròn tự học.

  • Những gì bạn yêu thích, hãy tập hợp chúng lại. Mỗi người sẽ có rất nhiều ước mơ, có những điều lớn lao, có những điều nhỏ bé. Xong, sẽ chỉ có một vài điều trong số chúng được hiện thực hóa bằng chính hành động của chúng ta mỗi ngày. Tập hợp và tìm mối liên kết giữa những ước mơ đó, xác định những ước mơ có thể là nền tảng nhất, là bước đệm cho phần còn lại. Sau đó, hãy tập trung tinh thần, năng lượng và những phương pháp phù hợp nhất để khai phá “ước mơ nền tảng” đó. Bằng những viên gạch đầu tiên đó, vũ trụ tự học sẽ mở ra. Cho đến bây giờ, mình vẫn luôn là một tín đồ của việc tự học, vẫn dựa trên những kiến thức nền tảng tự học trước đó để tìm kiếm và học hỏi thêm những đều mới mẻ, duy trì sự bận rộn thú vị cho mãi về sau này.
  • Kiên định và tập trung, hiểu rõ điều mình muốn. Mục tiêu mình chơi ghita, chỉ đơn giản là đệm hát giải trí cho bản thân. Mình không tham lam khi nhìn vào những nghệ sĩ chơi độc tấu, biểu diễn sân khấu., không tự áp lực bởi những điều quá xa vời. Những mỏ neo thành tựu nho nhỏ sẽ đẩy khao khát chinh phục lên một tầm cao mới. Đây cũng là cách mình đã chia nhỏ các giai đoạn ra để tự cổ động trong quá trình tự học.
  • Sử dụng điểm mạnh nhất và gắn nó với quá trình tự học. Mình được tiếp xúc Internet từ khá sớm so với các bạn đồng trang lứa, kĩ năng tìm kiếm trên Internet rất tốt. Và điều đó đã được mình sử dụng hiệu quả trong việc tìm kiếm tài liệu học tiếng anh, đăng ký nằm vùng ở các forum để được chia sẻ tài liệu. Điểm mạnh giúp quá trình trở nên trơn tru và tiết kiệm thời gian hơn. Mỗi người sẽ có điểm mạnh riêng, hãy cố tìm điểm giao nhau giữa nó và quá trình tự học của mình. Bạn sẽ bất ngờ đấy!

TẢN MẢN về tự học

Tự học giúp mình có cuộc sống tự do, thoải mái hơn và chủ động trong hầu hết những quyết định của cuộc sống. Mình hiện tại sở hữu một studio nhỏ về thiết kế đồ họa (https://dougostudio.com/portfolio/), tuy chưa phải là gì với rất nhiều tấm gương thành công khác, nhưng so sánh với phiên bản của cá nhân mình của nhiều năm trước, thì mình bây giờ là một phiên bản thành công ngoài mong đợi. Bên cạnh mình vẫn luôn có những người bạn, người thầy, những anh chị luôn động viên và giúp đỡ, họ luôn tạo cơ hội cho mình trải nghiệm những điều mới mẻ và thử thách thú vị trong công việc cũng như cuộc sống.

Trong tình cảnh đại dịch toàn cầu hiện nay, kinh tế ngưng trệ, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập phục vụ nhu cầu sống cơ bản của nhiều người. Tự học thêm một kĩ năng mới sẽ giúp chúng ta tự tin vượt qua khó khăn, hay đơn giản chỉ là giải trí cho những ngày tháng giãn cách nhàm chán. Thời gian rảnh rỗi thay vì suy nghĩ tiêu cực về tương lai, chúng ta khiến cuộc sống lấp đầy bằng những điều thú vị như học làm bánh, học thêm một ngoại ngữ mới, học sử dụng một nhạc cụ mới…

Nếu tự học là một cô gái! Mình sẽ yêu cô ấy suốt đời! Haha.

Trên đây là một số chia sẻ về quá trình tự học của mình. Hi vọng sẽ có những thông tin bổ ích cho mọi người.

3 Replies to “Góc nhìn về tự học hiệu quả”

  1. anh ơi, anh tham gia forum nào để có nhiều tài liệu học tiếng anh và về thiết kế đồ họa ạ, anh có thể cho em biết để tham gia tự học với ạ.

    1. Hi Ngân,
      Theo mình thì Ngân nên chủ động tìm hiểu nguồn theo sở thích của mình, vì bây giờ tài liệu học tập về tiếng anh, thiết kế đồ họa rất nhiều trên Internet, thậm chí rất nhiều bài viết về tự học tiếng anh và tự học design.
      Để trả lời câu hỏi của Ngân theo quan điểm cá nhân của mình, thì mình sẽ đưa ra những lời khuyên sau:
      1. Đa phần chúng ta học trong môi trường “non-native speaking English”, và điều kiện tiếp xúc với người nước ngoài cũng hạn chế, đặc biệt ở các vùng thị xã, thị trấn, vùng sâu vùng xa. Giải pháp là chúng ta biến môi trường tiếp xúc xung quanh hằng ngày thành môi trường tiếng anh cả. Facebook, Insta, Twitter… Follow các trang tiếng anh vui nhộn, truyện ngắn như The Language Nerd, The Happiness is… để mỗi ngày khi lướt newfeed chúng ta đều tiếp xúc, đọc và thẩm thấu, chứ ko chỉ có khái niệm ngồi vào bàn mới là học. Bản chất của học tiếng anh theo mình nghĩ là sự lặp lại, lặp lại dần cho đến khi thành phản xạ.
      2. Mình phải tập thói quen luôn suy nghĩ bằng tiếng anh, phương pháp này đc nói rất rõ về cách luyện tập trong kênh Youtube của Rachel, bạn có thể tìm với từ khóa How to Thinking in English
      ————————————
      Tất nhiên 2 điều trên là để đảm bảo môi trường cho Ngân học, bên cạnh đó cũng phải trau dồi phát âm để nghe nói chuẩn, ngữ pháp nữa nhé.
      Chúc bạn thành công.

Trả lời longtrantrui Hủy