Tản mạn về “đam mê”

Bạn sinh ra để làm những thứ mình thực sự xuất sắc, không phải để lao đầu một cách mù quáng vào những thứ bạn “đam mê”?  Ý nghĩa câu nói “Hãy theo đuổi đam mê” là như thế nào? Vậy định nghĩa “đam mê” là gì; có nên theo đuổi “đam mê”?

Lướt qua một vài quan điểm về “đam mê”

Nhan nhản trên Internet hiện nay, chúng ta có thể dễ dàng tìm kiếm các inspirational quotes, viral videos có chủ đề liên quan đến “đam mê” – “hãy theo đuổi đam mê và thành công sẽ đến với bạn”.

Đặc biệt nhất là bài diễn văn bất hủ của Steve Jobs trước lễ tốt nghiệp ĐH Stanford, xin trích dẫn nhỏ một câu ở đây “[…]Những gì tôi muốn nói là sau này tôi nhận ra việc cố gắng theo đuổi niềm đam mê và thỏa mãn sự tò mò của mình là vô giá […]”.

“Đam mê chỉ là trạng thái tinh thần thôi, không có cái gì to tát cả […]Thực ra đam mê chẳng là cái gì cả, thường nó dẫn dắt bởi tâm tham thì đúng hơn. Nó chỉ là cảm giác hưng phấn nhất thời chóng qua. Khi thành công thì do đam mê, nhưng khi thất bại thì sao? Đam mê chỉ là trạng thái tinh thần thôi. Mà trạng thái tinh thần thì thay đổi xoành xoạch theo giờ, theo ngày.” – Đam mê, quên nó đi cho khỏe – Đào Thị Hằng.

Hay một video khác với tựa đề “Đừng theo đuổi đam mê!” từ TED (có thể search Google với tựa đề trên, có sub Việt nhé). Nội dung có thể tóm gọn rằng: đam mê là một chuyện và khả năng của bạn thực hiện được đam mê đó, mang nó đến thành công lại là một chuyện rất khác. Đừng mù quáng theo đuổi đam mê nếu bạn không có khả năng làm tốt nó!?

Vậy ta phải làm sao giữa biển trời những lời khuyên về “đam mê” như thế này!?

“Đam mê” là cái quái gì mà khó tìm quá vậy?

Để tôi kể bạn nghe 2 câu chuyện

  1. Steve Jobs ngay từ đầu đã không chọn công nghệ là đam mê của mình, ông không chọn mình sẽ trở thành ông trùm công nghệ với Apple. Ông bắt đầu với hàng tá những công việc khác nhau, thậm chí là đi hành khất ở Ấn Độ. Steve chỉ thực sự bắt đầu nền móng của Apple khi nhìn thấy cơ hội kinh doanh những bảng mạch trong ngành công nghiệp này.

Đúng! Steve Jobs nhìn thấy lợi nhuận và cơ hội.

  1. May mắn được tham dự Chương trình “Forbes under30 summit” vào năm 2016, tình cờ được nghe về SOSUB – một trong 3 đội vào chung kết vòng gọi vốn cho dự án tiềm năng. Khá ấn tượng với nhiệt huyết của anh chàng này (mình không biết tên), hùng hục dịch thuật và làm sub cho gần 1000 videos từ TED, cho ra đời TEDvn, nhưng thật không may sau đó bị yêu cầu xóa do chính sách bản quyền. Nhưng anh vẫn không bỏ cuộc. Sau đó, SOSUB ra đời. Làm việc suốt 5 năm không nhìn ra lợi nhuận chỉ với mong muốn đưa nền tảng kiến thức khổng lồ từ TED đến với mọi người, xóa tan rào cản ngôn ngữ và tạo ra nguồn tài nguyên hữu ích cho những người muốn cải thiện khả năng ngoại ngữ.

Vượt qua khỏi khái niệm đam mê, anh tìm được niềm vui trong mục đích sống của mình.

Hai hình ảnh, hai khái niệm: đam mê gắn với thành công, đam mê gắn liền với mục đích sống. Nhưng dù là gì đi nữa, điểm chung của 2 con người này là vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách để đi đến tận cùng của con đường mình đã chọn và họ đều có khả năng làm tốt công việc của mình.

Lời khuyên là gì?

Mỗi người có một chuẩn mực sống của riêng mình, hay một “hệ quy chiếu” riêng nói theo cách khác

Bởi có những người chỉ sống vì nụ cười, niềm hạnh phúc của người khác.

Hay những người dành toàn bộ cuộc đời mình để tìm kiếm sự giàu sang.

Quy chuẩn về thành công trong cuộc đời mỗi người chính do bản thân mình tự đặt ra. Hai từ  “đam mê” âu cũng chỉ là sự chuẩn hóa cho mục đích theo đuổi cuối cùng trong cuộc đời mỗi người.

Vậy nên, mọi lời khuyên theo đuổi đam mê hay không cũng chỉ mang tính khách quan mà thôi. Nếu “đam mê” trong cuộc đời là điều bạn hướng tới những vẫn chưa xác định được nó là gì, hãy đặt những viên gạch đầu tiên. Làm những công việc mình có thể làm tốt nhất. Tất cả những kĩ năng, kiến thức bản thân có được là thứ công cụ giúp bạn trong quá trình tìm kiếm, hoặc cũng có thể đó là đam mê suốt đời mà bạn chưa kịp nhận ra mà thôi.

Những kẻ yêu chủ nghĩa xê dịch như tôi có câu: “Hạnh phúc là hành trình chúng ta đi, chứ không phải nơi ta đến”, bây giờ nhìn lại thấy câu nói này hoàn toàn đúng với 2 chữ “đam mê”. Cung bậc cảm xúc cùng những trải nghiệm có được sẽ bước đệm tìm đến tình yêu đích thực “đam mê”.

 


 

Tôi là gì khi viết bài này?

[Lười đọc thì bỏ qua phần này nhé. Chỉ đang kể lể tí về bản thân thôi]

Ngót 3 năm trời bản thân tôi cũng đi tìm kiếm cái gọi là “đam mê”, là “công việc mơ ước”. Đối với tôi nó như một cuộc chơi tình ái. Trong một khoảng thời gian nào đó, tôi kết duyên cùng công việc nọ. Trong quá trình chung sống, những khoảnh khắc thăng hoa trong phút giây gặt hái được những thành tựu đầu tiên làm tôi chắc mẩm rằng “Á à! Mày đây rồi! Đam mê của tao đây rồi! Cuối cùng thì…”. Nhưng càng về sau tôi bỗng nhiên chán ngán vì vấp phải những khó khăn đầu tiên của công việc đó, và thế là tôi bỏ…

Rồi những cái “Cuối cùng thì…” cứ thế đến rồi lại đi…

Lại balo khăn gói đi tìm kiếm cái thứ quỷ tha ma bắt mang tên “đam mê”…

Đó là những năm tháng tôi đã chỉ mơ về đam mê, dùng đam mê như một tấm bình phong cho sự lười nhác và thiếu cố gắng của bản thân.

Đam mê không phải là một thứ dễ dàng tìm kiếm, nhưng cũng không phải cứ chăm chăm vào nó để sống. Đừng chỉ mơ về nó, hãy bước những bước đi đầu tiên.

Thật sự không nhớ rõ lắm về danh tính một nhà làm phim hoạt hình người Nhật, ông khá nổi tiếng. Trước khi làm nên những bộ phim hoạt hình đưa tên tuổi ông đến với thế giới, ông từng là một phi công. Sau này, khi trở về là một nhà làm phim hoạt hình, hầu như tất cả những tác phẩm của ông đều mang hơi hướng của sự tư do, của sự bao la bầu trời…

Khi tôi bắt đầu làm một broker chứng khoán, tôi đã mơ về một công việc trong mơ và nghĩ rằng đây chính là công việc đó. Sau 8 tháng quằn quại, tôi nghỉ. Nhưng đổi lại, tôi có một khối lượng kiến thức và kĩ năng đáng kể tích góp cho sau này. Khả năng tìm kiếm thông tin, quản trị web, code cơ bản…

Sau đó lại tập dịch thuật nước ngoài, viết báo tài chính. Tôi phải luyện tập đọc báo rất nhiều, cập nhật thông tin hằng ngày. Qua đó lại học thêm được cách chắt lọc thông tin, được biết rõ hơn về vấn đề các công ty tập đoàn.

Tôi bây giờ làm việc trong một công ty tour du lịch xe đạp. Tôi sử dụng toàn bộ kĩ năng trước đây mình tích góp được để làm việc tại công ty này. Tôi mê xe đạp và thích đạp xe. Lại biết vẽ vời, biết đâu sau này để lại một bộ tranh đạp xe đình đám nào đó :v

Vậy đó, tôi sẽ thức dậy vào mỗi buổi sớm và viết tiếp câu chuyện đam mê của đời mình. Bởi, đã may mắn tìm thấy nhau, thì yêu thương hết mình thôi. Cheers!

9 Replies to “Tản mạn về “đam mê””

  1. Chà…em cũng muốn tìm đc đam mê,dám nghĩ chứ k dám làm,thật là mỏng manh quá mà hahaa

    1. nhìn em mạnh “mẻ” vậy mà :)) đi là đi thôi 🙂

  2. Em nhỏ cũng từng có những giai đoạn như vậy, cứ chờ mãi để “đam mê” chạy đến với mình. Nhưng “đam mê” không có chân nên không chạy đến chỗ em được mà em cũng không biết tìm nó ở đâu nên tự nhiên thấy rất hụt hẫng. Mãi đến lâu sau đó em mới nghiệm ra rằng: chờ bao giờ để tìm thấy đam mê, nên hãy cứ làm hết mình ở mọi việc, tuổi trẻ là không ngừng trải nghiệm và trưởng thành từ thử thách. Chúng ta có thể có nhiều đam mê nhưng đừng chờ đam mê đến mà hãy đi tìm
    1000 like cho bài viết của anh vì rất đúng với tâm trạng và suy nghĩ của em nhỏ. Em đặc biệt thích những bài viết có trích dẫn và dẫn chứng vì thấy rất đáng tin ahihi

    1. Không có cái icon nào bắn tim bắn tiền cho em nhỏ nhềy :v
      Có thể tìm hoài không thấy, nhưng vẫn có thể mỉm cười vì con đường mình đã đi.

  3. ông bạn giống tui á, cũng chơi xe đạp, chắc đoán tầm tuổi. Tui ở Phú Nhuận, hôm nào đạp chung đi. Sdt: 0973 076 145 ( Nguyên)

    1. 1993 nhé. Tui ở Bình Thạnh, chuẩn bị đi tour lớn. Có cơ hội cafe bật nhạc xập xình nhé. hihi

  4. Hi Long! Mình cũng mới chơi xe đạp và vô tình google dẫn dắt mình tới blog bạn, rất vui nếu có dịp giao lưu ở Sài Gòn ^^

    1. Vào cuối tuần nhé, mình hay du hí đạp xe vào cuối tuần ^_^

  5. Có ai từng hỏi tại sao trẻ con thích chơi cát chưa? Một bạn trẻ đã trả lời nó không biết, nhưng nó cứ chơi thôi hoặc đơn giản vì nó cảm thấy vui 🙂 Không quan tâm chơi cát có an toàn, mình có giỏi không, người ngoài nhìn mình có dơ không?… Đam mê trẻ con đơn thuần chỉ có vậy. Nhưng đam mê của người lớn luôn đi kèm có kiếm ra tiền, có sống đủ, có hãnh diện không? có đủ khả năng không? Quá nhiều suy nghĩ, lo lắng và lí trí làm chúng ta không còn nhìn thấy đam mê bằng sơ tâm nữa. Khi lớn chúng ta cũng quên mất luôn cái gì từng làm cho mình vui. Đặc biệt khi xu hướng hiện đại là chủ nghĩa vị lợi càng đánh đồng định nghĩa thành công và hạnh phúc chính là vật chất.

Trả lời